MỤC LỤC BÀI VIẾT
“Ối giời ôi!”, chính là tiếng kêu ai oán, váng trời đến từ vị trí các bác sĩ Tây y. Khi các bà, các mẹ lũ lượt bế con đến khám, nhưng nhất quyết không dùng kháng sinh dù cho tình trạng trẻ đã rơi vào trạng thái buộc phải sử dụng. Đây là 1 báo động lớn trong tư duy chăm sóc bệnh tật của trẻ nhỏ ở các bà mẹ.
1/ TẠI SAO XÃ HỘI SỢ KHÁNG SINH?
a/ Đồn đoán về kháng sinh:
Các thông tin về kháng kháng sinh, phụ thuộc thuốc, lạm dụng kháng sinh nhan nhản khắp cõi mạng, từ báo chính thống đến báo lá cải, từ thầy lang không có nguồn gốc đến bác sĩ chính quy uy tín, từ các KOL, KOC đại diện giới tiêu dùng đến nhóm những kẻ theo đuổi tự nhiên không dùng thuốc… tất cả đều mang kháng sinh ra hù dọa lẫn nhau, tạo nên hình ảnh con ngáo ộp KHÁNG SINH nuốt chửng tinh thần, và khả năng học hỏi của các bậc cha mẹ thừa sợ hãi, thiếu kiến thức.
Con ngáo ộp này thực thực hư hư, cứ lởn vởn, vầy vọt người bệnh và cười vào mặt những người chăm nuôi. Khiến cho các bậc phụ huynh buộc phải tặc lưỡi dùng trong sự dằn vặt, hoặc mù mờ cự tuyệt trong lo lắng cơn bệnh không biết bao giờ qua, hoặc tự động xác định ăn dầm nằm dề hết đợt ốm này sang đợt ốm khác trong tư tưởng sống chung với ngáo.
b/ Kháng sinh thực sự gây hại như thế nào?
Không có lửa làm sao có khói, bởi thực tế, kháng sinh là con dao 2 lưỡi. Tác dụng chữa bệnh và tác dụng phụ là 2 yếu tố song hành không thể chối cãi. Trong đó các tác dụng phụ luôn bao gồm:
– Phản ứng trái ngược: là loại phản ứng qua trung gian miễn dịch gây biểu hiện qua ở trạng thái dị ứng, sốc phản vệ, quá mẫn
– Quá tải thuốc: Mỗi người có khả năng hấp thụ và đào thải khác nhau. Kê liều kháng sinh phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng nhận định, chẩn đoán tình trạng bệnh tật, nhìn nhận mức độ hấp thụ-đào thải,.. của bác sĩ điều trị trực tiếp. Với bất cứ yếu kém nào của bác sĩ đều có thể gây ra quá tải kháng sinh dẫn đến gây độc cho cơ thể ở các mức độ khác nhau.
– Phản ứng bất lợi đối với hệ thống các cơ quan trên cơ thể:
+Bất lợi với thận và biến chứng nặng nhất là hoại tử ống thận cấp tính, Viêm thận kẽ, Suy thận, Kết tinh ở ống thận
+Bất lợi với tim mạch và biến chứng nặng nhất là kéo dài QT (rối loạn hoạt động điện tim)
+Bất lợi với huyết học và biến chứng nặng nhất là Giảm tiểu cầu, bạch cầu; Mất bạch cầu hạt; Kết tập tiểu cầu bất thường; Tăng INR (chỉ số đo lường thời gian đông máu bị ảnh hưởng do tương tác thuốc)
+Bất lợi với da liễu và biến chứng nặng nhất là Phát ban, ban đỏ đa dạng; Hội chứng Stevens-Johnson; Hoại tử biểu bì nhiễm độc
+Bất lợi với thần kinh và biến chứng nặng nhất là Độc tính trên tai, Rối loạn chức năng tiền đình, Co giật, Bệnh lý thần kinh ngoại biên
+Các vấn đề khác: Nhiễm độc gan, Bệnh cơ, Rối loạn điện giải (tức là hạ kali máu, hạ đường huyết), Sốt do thuốc, Tiêu chảy do thuốc.
– Kháng kháng sinh: Việc sử dụng ngày càng nhiều các loại kháng sinh trong khám chữa bệnh (không đúng lúc, không chuẩn liều, uống liên tục) và các ngành công nghiệp liên quan đến chất chống vi trùng như công nghiệp tẩy rửa, công nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Vi khuẩn đã phát triển các cơ chế để thúc đẩy khả năng kháng cự này để tồn tại.
Những lời đồn đoán đã không thực sự lột tả hết tác hại thực sự của kháng sinh mà chỉ xoay quanh vấn đề kháng kháng sinh. Trong khi đó kháng sinh có tác dụng tiêu cực toàn diện trên cơ thể, và mức độ tiêu cực có ranh giới của rất mong manh phụ thuộc hoàn toàn vào “người kê thuốc”.
2/ HIỂU ĐÚNG VỀ KHÁNG SINH VÀ NGUY CƠ NHẦM LẪN TRONG ĐIỀU TRỊ:
Kháng sinh là 1 lựa chọn để chữa các bệnh liên quan đến vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tế bào vi khuẩn. Nhưng vi khuẩn lại ít đi hại người, mà bạn thân của vi khuẩn là virut mới là kẻ đam mê gây sự. Diệt virus thì không dùng kháng sinh, chẳng dùng gì cả, chỉ để cơ thể tự xử lý (sốt virus là ví dụ điển hình của cơ thể tự xử lý).
Vấn đề khúc mắc ở chỗ các triệu chứng nhiễm khuẩn và nhiễm virus lại có rất nhiều điểm tương đồng. Cần phải có nghiệp vụ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn, quan sát tình hình dịch tễ nói chung, cùng với xét nghiệm đầy đủ chi tiết để chẩn đoán. Tuy nhiên, việc cơ thể bị virus phá hoại cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng đánh chiếm cứ địa.
Thế nên đối với những người tín nhiệm Tây y, phụ thuộc Tây y, thì việc có sử dụng kháng sinh hay không và sử dụng như thế nào là hợp lý mãi mãi là bài toán nan giải. Và con ngáo ộp KHÁNG SINH luôn sẵn sàng vả vào mặt các bậc phụ huynh bất cứ lúc nào dù dùng hay không. Vì nếu dùng không đúng thời điểm, không đúng liều lượng, không biết cách chăm sóc để hồi phục sau điều trị sẽ gây hại cho toàn bộ hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch, cùng với nguy có bệnh tật tái đi tái lại, kéo dài làm suy yếu sinh lực gốc.
3/ CÁCH HỖ TRỢ CƠ THỂ TRONG VÀ SAU QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG KHÁNG SINH:
Kháng sinh chỉ là 1 lựa chọn trong quá trình chữa bệnh. Và lựa chọn này sẽ song hành với các nhược điểm có tác động sâu rộng trên toàn cơ thể. Do đó, cần người kê thuốc giỏi. Lý tưởng nhất là dùng cho người có sinh lực gốc tốt trong điều kiện sử dụng đúng, đủ. Đồng thời biết cách chăm sóc trong và sau quá trình sử dụng thuốc.
Kháng sinh giống như sử dụng bom để diệt địch. Chỗ nào địch đóng quân, bom nổ ở đấy. Địch chết là làng mạc, núi rừng, người vô tội…chết theo. Và khu vực đánh trận nằm ở hệ tiêu hoá, người vô tội chính là hệ vi sinh vật đường ruột. Do đó cần tập trung chăm sóc đường ruột thật tận tuỵ.
Cách chăm sóc cơ thể trong và sau quá trình sử dụng kháng sinh:
– Ăn uống thanh đạm chủ yếu ngũ cốc, rau củ, hoa quả có tính dương, đông vật bậc thấp, các món lên men: dưa muối, cà muối,… (nấu hoặc ăn liền). Thiên hấp, luộc, kho. Chú ý sử dụng gia vị: tiêu, nghệ, gừng, tỏi; trong nấu ăn. Đặc biệt chỉ sử dụng gia vị toàn phần: mắm thô, đường thô.
Ăn uống đúng cách giúp giảm tải công việc nặng nhọc, tạo điều kiện hồi phục đường ruột đặc biệt là đội quân vi sinh vật – cân bằng lại môi trường sống, số lượng cũng như chủng loài vi sinh vật cần thiết.
– Hỗ trợ khôi phục đường ruột với sắn dây quấy chín rắc tinh bột nghệ, ăn thay bữa sáng, và ăn xế vào lúc 9-10h với đồ ăn nhẹ (ngũ cốc, sữa hạt, hoa quả có tính dương)
– Massage đả thông khí huyết
– Tắm nước ấm, ngâm chân, ngâm mông tăng cường lưu thông khí huyết (ko ngâm chân với người giãn tĩnh mạch)
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử
– Chú trọng tắm nắng mỗi ngày
– Ngủ sớm
– Tinh thần vui vẻ, lạc quan. Chánh niệm vào việc giữ gìn sức khoẻ, ko để các bận tâm, stress khác chen lấn.
Với 4 yếu tố cấu thành nên sức khỏe bao gồm: sinh lực gốc, lối sống, tâm lý, môi trường; thì cách chăm sóc bên trên mới chỉ tác động vào lối sống và tâm lý. Do đó, dù cho thực hiện tốt thì tiến trình hồi phục thường vẫn không đạt 100% công lực, vì môi trường – yếu tố cố định và sinh lực gốc – yếu tố tự thân là khác nhau với mỗi người.
Trong trường hợp sinh lực gốc quá kém (đối với Việt Nam ngoại trừ HN, SG thì các nơi khác môi trường được xem là tốt), thì các gạch đầu dòng trên chưa kịp kéo sức khỏe đi lên, cơ thể đã gặp cơn ốm mới. Ốm tái đi tái lại, lại làm tổn hao sinh lực gốc, trở thành 1 vòng luẩn quẩn không lối thoát.
4/ TỔNG QUAN KẾT LUẬN VỀ KHÁNG SINH:
Kháng sinh không đáng sợ. Đáng sợ là nền tảng sức khỏe yếu kém. Sử dụng kháng sinh với những người có nền tảng sức khoẻ tốt (sinh lực gốc tốt, môi trường sống tốt, lối sống lành mạnh) thì không đáng ngại. Vì những người này khả năng đào thải tốt, không mẫn cảm, không dị ứng…tác dụng phụ vốn đã không ảnh hưởng quá nhiều, bản thân lại có khả năng tái tạo sự sống tốt.
Trên thực tế người có nền tảng sức khoẻ, có kiến thức chăm sóc sức khỏe có thể vượt ốm không dùng thuốc mà không cần quan tâm đến kháng sinh. Vì lợi ích vượt bệnh của kháng sinh luôn đi kèm tác hại khó lòng khống chế, mà các tác hại này tương đương với 1 đợt bệnh tật, cách khắc phục tác hại của kháng sinh cũng là cách đẩy lùi bệnh tật. Do đó, chẳng dại gì mà đuổi quỷ để rước ma rồi lại lập đàn trừ tà từ đầu cả.
Kháng sinh thực tế chỉ là con ngáo ộp. Nhưng không có kiến thức thì nó sẽ là con quỷ có sức mạnh hút cạn dương khí. Thế nên sử dụng kháng sinh hay không, không quan trọng, quan trọng là việc xây dựng nền tảng sức khoẻ từ cấp độ tế bào mỗi ngày nhằm bảo vệ và bồi đắp sinh lực gốc. (Đặc biệt là phụ nữ – những người chịu trách nhiệm nuôi nấng mầm sống, sinh dưỡng sinh lực gốc của 1 con người.)
Link tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535443