MỤC LỤC
Ăn dặm bền vững là 𝐭𝐢𝐞̂̀𝐧 đ𝐞̂̀ 𝐱𝐚̂𝐲 𝐝𝐮̛̣𝐧𝐠 𝐦𝐢𝐞̂̃𝐧 𝐝𝐢̣𝐜𝐡 𝐧𝐡𝐚𝐧𝐡 𝐜𝐡𝐨́𝐧𝐠. Vì ăn dặm là mốc thời gian đánh dấu bước chuyển tiếp quan trọng trong hành trình khôn lớn của trẻ. Từ đây, bé bắt đầu tự chủ, thực sự từng bước tách khỏi sự bao bọc 100% của mẹ.
Vậy ăn dặm như thế nào để đáp ứng dinh dưỡng phù hợp với trẻ? Làm sao để trẻ hứng thú với thực phẩm, tránh xa các vấn đề tiêu hoá căng thẳng như táo bón – thừa cân – thấp còi. Và quan trọng nhất là xây dựng được hệ miễn dịch nhanh chóng, vững mạnh?
I. Các nghiên cứu quan trọng về hệ tiêu hoá – nền tảng ứng dụng phương pháp ăn dặm bền vững:
1/ Thời điểm ăn dặm:
Đủ 180 ngày/tương đương 5,5-6 tháng đối với trẻ sinh đủ ngày đủ tháng (+số ngày thiếu đối với trẻ sinh non) được khuyến cáo là thời gian ăn dặm lý tưởng nhất cho trẻ. Vì tại thời điểm này, hệ tiêu hoá của trẻ đã cơ bản hoàn thiện: thể tích ruột đảm bảo, khả năng co bóp dạ dày tốt, cơ lưỡi linh hoạt…
Đây cũng là thời điểm trẻ đã bắt đầu ngồi vững, cầm nắm tốt và tiến vào giai đoạn phát triển nhu cầu khám phá vật chất. Bất kể thứ gì trẻ cũng đưa vào miệng, đây là phản xạ bản năng để phân biệt đồ ăn được và không ăn được. Ăn dặm sẽ giúp trẻ khai mở trí thông minh quan sát, và khả năng nhận định vật chất.
2/ Hệ vi sinh vật đường ruột:
Thai nhi có đường ruột gần như vô trùng do uống nước ối gần như vô trùng. Sau khi sinh, trẻ lập tức bị hệ vi sinh vật từ mẹ (qua đường âm đạo, hậu môn, da kề da, hô hấp), và từ môi trường ồ ạt xâm nhập. Quá trình xâm nhập này diễn ra liên tục cho đến khi trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch thích ứng, khi đó thảm vi sinh vật đường ruột cũng đi vào ổn định (khoảng 2,5-3 tuổi).
a/ Cơ thế tác động của hệ vi sinh vật đường ruột với các bệnh rối loạn sinh học:
Con người là một siêu sinh vật với 10% tế bào người và 90% tế bào vi sinh vật. Bộ gen của con người và vi sinh vật phát triển cùng nhau. Song song là quá trình trao đổi chất diễn ra đồng thời khiến tính bền vững của chúng hòa quyện và trở nên không thể tách rời.
Xét về hệ tiêu hoá, thông qua hệ thống miễn dịch của hệ vi sinh vật đường ruột tạo ra mà vật chủ được bảo vệ. Vi khuẩn cộng sinh ngăn ngừa sự xâm nhập và nhiễm trùng của mầm bệnh bằng cách tăng cường hàng rào niêm mạc và thúc đẩy các phản ứng miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch thích ứng. Các bệnh táo bón, thừa cân, suy dinh dưỡng nặng hơn là viêm ruột, viêm da, tiểu đường, tim mạch… đều là các rối loạn sinh học có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột.
Thông thường, người ta nghĩ rằng rối loạn sinh học đến từ việc gia tăng số lượng mầm bệnh, nhưng không phải, mà đó còn là do sự vắng mặt của vi khuẩn cộng sinh quan trọng. Khi vi khuẩn có lợi ít, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng chiếm đóng diện rộng. Lượng vi khuẩn có lợi ít ỏi bị chết lại khó khăn để hồi phục. Đây chính là nguyên nhân gây bệnh khó chữa (táo bón mãn tính, béo phì, suy dinh dưỡng,…)
b/ Môi trường sống của hệ vi sinh vật đường ruột:
Hệ vi sinh vật đường ruột sinh trưởng và phát triển trong môi trường chất xơ. Chất xơ là chất cơ thể không tiêu hoá được và có nhiều trong rau xanh, củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, và đặc biệt là trong các loại rau gia vị (tỏi, hành tây, hành lá).
Chất xơ có 2 loại:
+ Chất xơ hòa tan sẽ tan trong nước tạo thành dạng gel – 1 dạng chất nhầy giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh vật có lợi. Trong đó có A. muciniphila, được tìm thấy trong lớp chất nhầy của người khỏe mạnh, có liên quan đến việc phục hồi chức năng hàng rào ruột, giảm nồng độ nội độc tố trong máu và cải thiện chức năng trao đổi chất. Chức năng hàng rào ruột được cải thiện này rất đáng chú ý vì A. muciniphila được biết đến là một loại vi khuẩn phân hủy chất nhầy.
+ Chất xơ không hòa tan sẽ không tan trong nước và trở thành môi trường cho hệ vi sinh vật phát triển. Hệ vi sinh vật đường ruột chủ yếu tham gia vào quá trình lên men carbohydrate khó tiêu thành SCFA (axit béo chuỗi ngắn). SCFA có tác dụng trong việc cân bằng nội môi năng lượng và rất quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, nền tảng của khả năng tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng tối ưu.
3/ Thời điểm răng mọc và mối liên hệ với khẩu phần ăn:
Như chúng ta đã biết, răng cửa là để gặm, cắn, răng nanh để xé thịt và răng hàm để nhai. Thứ tự mọc răng của trẻ lần lượt là răng cửa – răng hàm – răng nanh. Do đó, khẩu phần ăn tương thích với thời gian mọc răng của trẻ là 1 yếu tố quan trọng để giúp con ăn uống thuận lợi, tận dụng được hết các kỹ năng của răng hỗ trợ hoạt động khoang miệng và hiệu suất mọc răng hiệu quả.
Báo cáo của NCBI cho thấy, trẻ em trong độ tuổi 18-20 tháng ăn nhiều thịt bò, thịt lợn sớm sẽ chậm mọc răng hàm hơn trẻ có chế độ ăn ít thịt. Thống kê cho thấy ít nhất 10% trẻ em ở độ tuổi mọc răng tiêu chuẩn gặp phải tình trạng chậm trưởng thành khoang miệng.
II/ PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BỀN VỮNG
1/ Hiểu đúng về ăn dặm:
Ăn dặm là 1 hoạt động “học tập” của trẻ với mục đích làm quen với thức ăn và dần dần thực hiện thành thạo thao tác cần thiết cho hoạt động này. Trong đó, trẻ tập nhận biết màu sắc, mùi vị, độ cứng mềm của mỗi loại thức ăn. Trẻ tập các vận động tinh bao gồm: cầm, nắm, nhai, nuốt sao cho cầm được đồ ăn, đưa chính xác vào miệng, cắn được đúng phần thức ăn vừa với cuống họng, nuốt trôi, hoặc ói trả nếu miếng thức ăn không phù hợp.
Ăn dặm cũng là những ngày đầu tiên hệ tiêu hoá bắt đầu làm việc phức tạp, thay vì chỉ nhận sữa mẹ dễ hấp thụ và gần như không phải xử lý, thì nay hệ tiêu hoá phải từng bước thực hiện chức năng của mình bao gồm: phân nhỏ thức ăn, đảo lưỡi, tiết nước bọt, nuốt, tiết dịch vị, co bóp nhào trộn thức ăn, lọc bỏ bã, tống đẩy chất dư thừa.
Suốt quá trình này, mỗi bộ phận của hệ tiêu hoá đều đang làm quen, và học cách hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính vì thế giai đoạn 6-12 tháng tuổi trẻ vẫn lấy dinh dưỡng từ sữa là chính. Cho nên các mẹ cần nhớ rõ ăn dặm là khoảng thời gian từ 6 tháng – 1 tuổi, sau 1 tuổi thì ăn mới là chính.
2/ Phương pháp ăn dặm bền vững:
a/ Hình thức của ăn dặm bền vững:
Ăn dặm bền vững là ăn thô và ăn giàu chất xơ. Thức ăn chủ yếu là rau củ, cắt miếng vừa tay, luộc hoặc hấp có độ nhừ vừa phải để trẻ vẫn cầm được. Thay đổi đa dạng các loại thực phẩm để vừa cung cấp có chất xơ hòa tan lẫn chất xơ không hòa tan như: đậu bắp, mồng tơi, đu đủ, cà rốt,…
Các mẹ có thể áp dụng nguyên tắc cầu vồng, và nguyên tắc toàn phần. Tức là thức ăn đầy đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng,.. và ăn toàn bộ từ rễ đến ngọn, từ ruột đến vỏ (nếu có thể). Mỗi bữa chỉ cần 1-2 món quà thay đổi vòng tròn cho bé.
Sử dụng đạm đơn giản từ thực vật, và tăng dần tính phức tạp của đạm theo trình tự mọc răng. Thường thì sau 1 tuổi trẻ sẽ bắt đầu chuyển từ đạm thực vật, sang đạm động vật và đi từ động vật bậc thấp (tôm, cua, cá, ốc, hến, nghêu, sò…) lên cao dần (gà, lợn, bò)
Lựa chọn thực phẩm ăn dặm bền vững theo chỉ tiêu:
– Theo mùa
– Ưu tiên thực phẩm bản địa: nhà trồng, địa phương trồng, Việt Nam trồng
– Ưu tiên thực phẩm biến rõ nguồn gốc: tự trồng -> người quen trồng -> cơ sở kinh doanh uy tín -> chợ, siêu thị.
Với hình thức ăn này giúp trẻ nhận biết vật chất, đảm bảo dinh dưỡng tối ưu từ thực phẩm, hỗ trợ hoạt động của răng hợp lý, đồng thời từng bước xây dựng hệ vi sinh vật đường ruột phong phú, vững mạnh. Mục tiêu hoàn thiện khả năng ăn uống toàn diện vào lúc 2,5 – 3 tuổi – cũng là lúc hệ vi sinh vật ổn định, hệ miễn dịch thích ứng đạt tiêu chuẩn, tiền đề dứt sữa mẹ hoàn toàn.
**CHÚ Ý: Không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm có thành phần hoá chất. Các loại thực phẩm này sẽ làm tổn hại hệ tiêu hoá của trẻ, cản trở sự phát triển của hệ vi sinh vật đường ruột, gây nguy cơ táo bón – thừa cân – suy dinh dưỡng.
b/ Nguyên tắc của ăn dặm bền vững:
– Để trẻ ngồi vững ở ghế riêng. Không ăn nằm dễ sặc, hóc. (Học cách sơ cứu hóc trên Youtube trước khi bắt đầu cho con ăn dặm. Nhận biết hóc và ói bình thường)
– Ăn chung cùng loại thức ăn và cùng mâm với bố mẹ. Ăn chung chế độ, mẹ không cần chế biến, tích trữ thực phẩm riêng, tiết kiệm thời gian nấu nướng mỗi ngày, mà con luôn được ăn thực phẩm tươi mới.
Tránh việc phân biệt khẩu phần và tách con khỏi sinh hoạt chung (việc này khiến trẻ mất kết nối, không quan sát được kỹ năng ăn uống như cách dùng thìa, đũa, văn hoá giao tiếp trong gia đình).
– Không nêm nếm (với trẻ dưới 1 tuổi; nấu ăn nhạt, có thể chuẩn bị thêm mắm chấm dành cho bố mẹ), không xay nhuyễn thức ăn. Việc này giúp trẻ cảm nhận được nguyên bản thức ăn, kích thích vị giác phát triển nhạy bén.
– Tôn trọng nhu cầu, không ép ăn, không đo đếm áp lực số lượng. Vì giai đoạn dưới 1 tuổi là ăn dặm, sau 1 tuổi mới ăn chính. Ăn dặm là ăn chơi, ăn nếm. Nếu ăn số lượng lớn sẽ khiến trẻ ức chế, sợ hãi, và dễ gặp nhất là táo bón và thiếu cân.
– Tôn trọng hành vi, không yêu cầu ăn theo cách của người lớn, để trẻ toàn quyền xử lý đồ ăn và sử dụng các dụng cụ theo ý (dùng thìa, dĩa, bát, cốc trước rồi đến đũa). Vì ăn dặm là quá trình học hỏi, thử nghiệm, tìm hiểu do đó trẻ cần được tôn trọng để phát huy tối đa sự tò mò, kích thích hứng thú trong ăn uống.
– Cắt răng cưa, bằng ngón tay để bé dễ cầm nắm, và trong trường hợp bị hóc dễ có luồng khí cho bé thở.
– Cữ ăn sau cữ bú khoảng 15-20 phút để dạ dày bé có cảm giác đói. Chú ý cữ ăn không thay cữ bú.
c/ 1 số lưu ý khi áp dụng ăn dặm bền vững:
– Khi có dấu hiệu ị khó, là cơ thể đang thông báo bé ăn nhiều đạm (hoặc quá nhiều chất xơ không hòa tan cũng có thể gây bón) – việc này thường xuất hiện trong khẩu phần ăn cháo, ăn xay nhuyễn, bé nuốt rất nhiều nhưng không tiêu hoá được thì gây bón. Các mẹ cần xem lại khẩu phần ngay, và hỗ trợ bằng dầu thực vật ép lạnh cùng với việc bú mẹ tích cực.
– Nếu trẻ ăn nhiều thức ăn, mẹ cần bổ sung dầu ăn dặm cho bé bằng cách húp sống, hoặc bỏ vào cháo, sữa, salad tuỳ khẩu vị. Dầu giúp hấp thụ vitamin A, C, D, E cực tốt đồng thời giúp cho quá trình luân chuyển thức ăn trong dạ dày dễ dàng, nhuận tràng. Thường trẻ dưới 1 tuổi, chất béo trong sữa mẹ rất lớn, nên ít gặp vấn đề táo bón. Ngược lại, trẻ trên 1 tuổi, ăn là chính, sẽ cần được bổ sung hợp lý.
– Khẩu phần ăn của trẻ sau 1 tuổi cần đa dạng nhóm chất tuy nhiên:
+ Đạm: chủ yếu là đạm động vật bậc thấp và lên bậc cao dần dần theo khả năng nhai. (Thường đến 3 tuổi là trẻ có thể nhai tốt và có thể ăn toàn diện)
+ Chất xơ, vitamin từ tinh bột, hoa quả vừa đủ
+ Khoáng chất: ăn thực phẩm toàn phần, bản địa và theo mùa, sử dụng gia vị toàn phần trong nêm nếm để đảm bảo lượng khoáng chất được bảo toàn trong thực phẩm cung cấp hằng ngày.
+ Chú ý đường và béo lành mạnh: Đường cung cấp năng lượng cao giúp trẻ vận động tốt, béo (giàu DHA, omega) là thành phần quan trọng để phát triển não bộ . Trẻ nhỏ rất cần 2 thành phần dinh dưỡng này để phục vụ hoạt động vận động và học hỏi mỗi ngày.
– Trẻ dị ứng thức ăn, đây là 1 biểu hiện của hệ vi sinh đường ruột kém phong phú, xuất phát từ chính hệ vi sinh vật từ mẹ nghèo nàn. Nếu rơi vào trường hợp này, mẹ ngưng cho bé ăn và chuyển sang bú tích cực để khỏi các vấn đề dị ứng. Sau đó nghiêm túc xem lại cách ăn uống, cách vệ sinh da và điều trị bệnh hô hấp (nếu có) của bố mẹ. Nhằm khôi phục lại hệ vi sinh vật của bố mẹ, tiền đề di truyền cho con hệ vi sinh vật phong phú.
—————————————–
Sức đề kháng được xây dựng từ sức khoẻ của hệ vi sinh vật ruột. Thể lực, trí tuệ có được nhờ khả năng hấp thụ dinh dưỡng trọn vẹn của hệ vi sinh vật ruột. Do đó ăn dặm là tiền đề của sức khoẻ trọn đời, là nền tảng của trí não tối ưu.
#y_học_toàn_diện #phổ_cập_kiến_thức_nuôi_con_sữa_mẹ #nuôi_con_sữa_mẹ #nuôi_con_0đ