LƯU Ý CHO TRẺ ĂN DẶM BỀN VỮNG THEO SINH LÝ VÀ CÁC MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG

Mục lục bài viết

Lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững là những thông tin quan trọng để các mẹ xây dựng thực đơn của con, giúp con hoàn thiện hệ tiêu hoá, ngăn ngừa các vấn đề nổi cộm đau đầu như táo bón, thừa cân, thấp còi, tiêu chảy… và đặc biệt là có khả năng ăn toàn diện khi ăn là chính.

Ăn dặm là ăn thêm, ăn để học. Đây cũng là thời điểm trẻ làm quen thực phẩm ngoài sữa mẹ/sữa công thức, những thực phẩm mới hoàn toàn với hệ tiêu hoá non nớt của con.

Vậy thực phẩm nào là hợp lý và khoảng thời gian ăn dặm là bao lâu? Bước chuyển tiếp sang ăn chính ra sao để phù hợp với sinh lý trẻ nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cũng như xây dựng hệ miễn dịch tối ưu?

I/ Hiểu rõ về dinh dưỡng trẻ nhỏ – cơ sở lý luận của các lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững:

Ăn dặm là sự việc xảy ra khi trẻ đang còn bú mẹ, và lấy dinh dưỡng từ sữa là chính. Do đó, thực phẩm ăn dặm, thời điểm ăn dặm trong ngày có mỗi liên hệ mật thiết với sữa mẹ. Vì vậy, lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững bắt nguồn từ việc phân tích dinh dưỡng sữa mẹ.

Các phân tích cho thấy, sữa mẹ chứa 88% nước, 7% carbohydrate (thành phần chính là lactose), 3,4% lipid, 1% protein. Trong đó:

– Đường (lactose) và béo (lipid) chịu trách nhiệm cung cấp 100% năng lượng cho các hoạt sống của trẻ. Đồng thời tham gia xây dựng phần lớn cấu trúc cơ thể trẻ đặc biệt là não bộ. Đạm chỉ chiếm 1% và có tác dụng lớn lao nhất trong việc cung cấp nguyên liệu cho hệ miễn dịch thụ động đối với trẻ sơ sinh vừa mới chào đời.

– Khi trẻ lớn lên, tỷ trọng các nhóm chất này có sự thay đổi như sau:
+ tỷ trọng đạm trong sữa mẹ giảm sau mỗi 3 tháng tiếp theo (Hàm lượng protein trong HBM khi sinh là khoảng 14–16 g/L, nhưng giảm xuống 8–10 g/L sau 3–4 tháng sinh và tiếp tục giảm xuống 7–8 g/L sau 6 tháng), nhưng lại tăng lên sau 1 tuổi.

+ tỷ trọng đường không đổi sau mỗi 3 tháng tiếp theo, nhưng sau 1 tuổi lại giảm đi.

+ tỷ trọng béo tăng sau mỗi 3 tháng tiếp theo (Sữa non chứa 15–20 g/L chất béo, nhưng lượng này tăng dần và sữa trưởng thành chứa gần 40 g/L) và tiếp tục tăng sau 1 tuổi.

Việc này trùng khớp với quá trình xây dựng hệ miễn dịch thích ứng của trẻ. Protein trong sữa mẹ giảm để cơ thể dễ dàng thiết lập hệ vi sinh vật từ mẹ, từ môi trường nhằm xây dựng hệ miễn dịch thích ứng tự thân không bị hệ miễn dịch thụ động cản trở. Sau 1 tuổi trẻ bắt đầu có mối quan hệ xã hội (đi học, ra ngoài nhiều hơn) nên protein lại tăng lên để góp phần bảo vệ trẻ.

(Protein giúp hình thành các kháng thể của hệ miễn dịch, còn gọi là globulin. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau khi kháng thể được tạo ra, các tế bào sẽ tự động phản ứng chống lại nếu tác nhân cũ xâm nhập, từ đó tạo nên khả năng miễn dịch)

Đường và béo chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc cung cấp năng lượng cho phát triển sơ sinh đặc biệt là não bộ. Tốc độ phát triển nơron thần kinh cực nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu nhận biết, làm quen môi trường mới, đặc biệt là việc tiếp nhận ngôn ngữ cấp ở giai đoạn sơ sinh.

Mức lactose không đổi rất quan trọng để duy trì áp suất thẩm thấu không đổi trong sữa mẹ, giúp trẻ hấp thụ được dinh dưỡng từ sữa mẹ, đặc biệt là hấp thụ khoáng chất và canxi tối ưu. Sau 1 tuổi trẻ bắt đầu ăn tốt, hệ vi sinh vật dần hoàn thiện nên đường giảm nhẹ do yêu cầu thẩm thấu dinh dưỡng không còn quan trọng nữa.

Duy chỉ có chất béo là nhóm chất duy nhất liên tục tăng xuyên suốt quá trình lớn lên của trẻ. Bởi đây là nhóm chất cấu tạo nên hệ thần kinh trung ương đang phát triển không ngừng mỗi ngày. Chất béo còn cấu tạo nên các mô của cơ thể trẻ đảm bảo năng lượng cho vận động. Và đặc biệt là giúp cho hệ tiêu hoá luân chuyển thức ăn đạt hiệu suất cao.

Với đặc điểm sinh lý này cho thấy tỷ lệ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh là 7 đường:4 béo:1 đạm, ở trẻ ăn dặm là 7:8:0,5. Khi ăn dặm bền vững trẻ ăn để học do đó mặc dù trẻ chỉ ăn thực vật nhưng lượng nạp vào không đáng kể nên không có tác động vào tỷ lệ dinh dưỡng 7:8:0,5 trên.

Việc ăn dặm với các thực phẩm thực vật, nhằm cung cấp chất xơ xuyên suốt giai đoạn ăn dặm (kéo dài trong 6 tháng) giúp trẻ xây dựng vệ vi sinh vật đường ruột, là tiền đề của hệ miễn dịch thích ứng. Sau 1 tuổi, trẻ ăn là chính, khi này ngoài thực vật (cacbonhydrat), trẻ cần dầu thực vật/mỡ và đạm đơn giản và vẫn tiếp tục đảm bảo tỷ lệ 7 đường:8béo:0,5đạm.

Với thực đơn này, trẻ dễ dàng duy trì tỷ lệ 7:8:0,5 phù hợp với dinh dưỡng trẻ nhỏ, giúp quá trình hoàn thiện hệ miễn dịch được thuận lợi, đạt mục tiêu hoàn thiện khi trẻ 2,5-3t.

Mượt đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về phương pháp ăn dặm bền vững. Phương pháp có mối liên hệ chặt chẽ với dinh dưỡng sữa mẹ và dưới dây tiếp tục là các lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững quan trọng phù hợp với sinh lý trẻ nhỏ cần ghi nhớ, mời quý chị em ghé đọc.

II/ Lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững với các thực phẩm phù hợp theo từng mốc thời gian:

Theo nguyên lý của phương pháp ăn dặm bền vững trẻ 6 tháng bắt đầu ăn dặm – ăn để học, 12 tháng trở lên mới ăn chính. Vì thế các mốc thời gian mẹ cần nắm vững khi lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững như sau:

– Trước 11 tháng, trẻ sẽ được ăn uống theo ý thích bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hoá còn khiếm khuyết, chưa xây dựng được hệ vi sinh vật có chức năng tiêu hoá thức ăn, do đó các nhóm thức ăn phù hợp là:
+ Củ giàu tinh bột: khoai lang, sắn, khoai từ, khoai sọ, khoai mỡ… cung cấp tinh bột nguyên cám lành mạnh.

+ Rau: mồng tơi, đậu bắp, rau đay, rau sam, rau lang… vừa nhớt, vừa xanh đậm dễ ăn, nhuận tràng, xây dựng hệ vi sinh vật tốt, lại giàu sắt.

+ Quả: chuối, đu đủ, dưa hấu, xoài, na, mãng cầu, thanh long, nho, vú sữa, cam, quýt, bưởi, khế, dâu tằm, dừa non,…

+ Các chế phẩm khác: đường mía thô giúp cung cấp năng lượng tích cực và khoáng chất nguyên vẹn từ mía tươi, các loại bún nui lứt từ gạo nguyên cám, bánh từ bột gạo nguyên chất…

– 11-12 tháng bố mẹ có thể can thiệp bằng việc đút thêm thức ăn (vẫn là thức ăn có nguồn gốc thực vật) để trẻ ăn nhiều hơn, tiền đề để sau 12 tháng sẽ ăn chính. Lúc này, khi lượng thức ăn tăng lên, bố mẹ cần chú ý bổ sung chất béo lành mạnh, nhằm hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá, cũng như tống đẩy chất thải, ngăn ngừa táo bón.

Chú ý sử dụng dầu thực vật ép lạnh (dầu mè, dầu dừa, dầu sachi, dầu điều, dầu macca) ưu tiên dùng sản phẩm bản địa bảo toàn dinh dưỡng toàn phần, tác động hấp thu trọn vẹn. Dầu thực vật có thành phần axit béo dễ hấp thụ hơn mỡ động vật, do đó với trẻ ăn dặm nên sử dụng dầu thực vật ép lạnh.

– Từ 12 tháng trở lên ngoài thực vật bố mẹ bắt đầu thêm đạm động vật vào khẩu phần ăn (từ bậc thấp đến bậc cao: tôm, cá, ếch,… đến gà, lợn, bò). Chú ý không sử dụng hải sản và các động vật lưỡng tính (cua biển, ghẹ, tôm hùm, lươn,…) – hải sản quá cao đạm, và động vật lưỡng tính hàm chứa các hoocmon bất lợi cho sự phát triển giới tính tự nhiên của trẻ. Đồng thời nương theo sở thích của trẻ, không ép buộc nếu trẻ từ chối.

III/ Các biểu hiện tâm – sinh lý quan trọng trong lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững, và bắt đầu ăn chính:

1/ Giai đoạn “ăn là học” (trước 11 tháng):

– Thực hiện ăn 3 bữa theo lịch sinh hoạt của bố mẹ, các cữ bú cách bữa ăn trước 15-20p.

– Mặc dù ăn là chơi, nhưng bé phải được ngồi vào bàn ăn nghiêm túc cùng cả nhà, thực hiện “văn hoá gia đình” khi tham gia sinh hoạt chung. Đúng giờ vào bữa là lên ghế, hết bữa là dọn mâm.

– Việc ngồi chung bàn ăn sẽ giúp trẻ ý thức được giờ giấc ăn uống, đồng thời nhanh chóng học được cách sử dụng dụng cụ ăn uống thông qua quan sát. Trẻ cũng sẽ học được cách giao tiếp và văn hoá ăn uống của gia đình (ví dụ như: ăn gọn gàng, từ tốn, ăn miếng vừa miệng, cách húp canh, ăn mì,…)

– Cho trẻ sử dụng bát đũa, thìa, dĩa, đặc biệt là cốc uống nước bình thường (có thể dùng size nhỏ hơn) nhưng không dùng các loại dụng cụ có thiết kế bất thường (ví dụ như cốc có ống hút, đũa có phần móc vào ngón tay… những dụng cụ này làm mất khả năng sử dụng dụng cụ bình thường của trẻ)

– Đặc biệt, vì ăn là để học nên cữ ăn không thay cữ bú. Có nghĩa là sau ăn bé hoàn toàn có thể bú để no bụng. Do đó mọi vấn đề về bú mẹ là nhu cầu hiển nhiên của trẻ mà các mẹ vẫn tiếp tục duy trì như giai đoạn chưa ăn dặm. Trong đó chỉ cần chú ý cho trẻ bú trước ăn 15-20p để tách biệt cữ bú và cữ ăn, giúp trẻ có thói quen ăn uống đúng giờ.

Các lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững này giúp các bậc phụ huynh giải toả tinh thần, vất bỏ kỳ vọng về hình ảnh em bé ăn nhiều, ăn lem lẻm đã hằn sâu vào mong mỏi của phần lớn phụ huynh.

Các lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững này mở ra 1 quan điểm mới trong tâm thức nuôi con khoẻ với các mục tiêu ngoài ăn như: vận động tinh tốt (cầm nắm, nhai nuốt), tự xử lý hóc sặc, hạn chế hóc dị vật, phát triển trí thông minh ăn uống (biết từ chối các thực phẩm không phù hợp)…

2/ Giai đoạn ăn tăng thực phẩm (11-12 tháng) và bắt đầu ăn chính (sau 12 tháng):

Xuyên suốt thời gian ăn là học, trẻ đã dần có thói quen bắt nhịp bữa ăn vào các khung giờ sinh hoạt của gia đình. Khi bước vào giai đoạn ăn tăng thực phẩm, bố mẹ hoàn toàn có thể thực hiện giãn cữ bú, và bắt đầu hình thành thói quen mới trong nhận thức về việc bú mẹ của trẻ, cũng như thay đổi thói quen cho bú, và sử dụng sữa mẹ từ thức ăn chính, thành thức ăn phụ trong suy nghĩ và hành xử của bố mẹ.

Đây là lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững rất quan trọng đánh dấu bước trưởng thành độc lập, tách mẹ tự lập từ từ của mỗi em bé.

a/ Thời điểm và chất lượng của các cữ bú trong lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững :

– Có thể cho trẻ bú mẹ 3-5p trước ăn vì các lý do như bé cần trấn an, bé quen cữ bú… nhưng không bú nhiều hơn và tuyệt đối không bú trong bữa ăn. Nói chuyện với trẻ 1 cách nghiêm túc về việc ăn uống đúng bữa, khơi gợi hứng thú ăn uống của trẻ bằng các món trẻ yêu thích.

– Trẻ sẽ có 3 cữ bú chính là buổi sáng ngủ dậy, buổi trưa ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Các cữ bú này đều cách xa bữa chính và trở thành bữa sáng, bữa xế hữu ích cung cấp năng lượng cần thiết cho con.

Khi này thực phẩm là thức ăn chính, sữa mẹ trở thành thức ăn dặm, đây là lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững tối thiết.

b/ 1 số kiểu bú mẹ ảnh hưởng đến bữa ăn cần nhận biết trong lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững:

– Phân biệt bú vặt – bú gộp – bú trấn an:

+Bú gộp là liên tục các cữ ngắn trong khoảng 1-1,5h sau mới kết thúc bữa ăn, sau khi kết thúc bé sẽ cách cữ bú cuối cùng 2,5-3h mới bú trở lại, việc này thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tháng và mẹ có bộ ngực bị can thiệp phẫu thuật (bị áp xe, ung thư…bị cắt bỏ) khiến xoang sữa ít, hoặc bé đang trong giai đoạn đau ốm, bé dính thắng lưỡi, bé mới đi tiêm phòng…

+Bú vặt là các đợt bú cách nhau 1h – 1,5h đều nhau, bé bú nhả nhớt, bú không kiệt sữa, đòi đổi vú liên tục.

+Bú trấn an là trường hợp trẻ có những biến động cảm xúc như bị buồn, bị đau, bị sợ, bị hoảng hốt,… nhất là khi đến chỗ lạ, gặp người lạ. Trong các trường hợp này trẻ sẽ cần bú để được yên tâm, và bình tĩnh trở lại.

Những lần bú này thường ngắn, nhanh, và mẹ cần nhận diện để hỗ trợ tâm sự, vỗ về bằng các hoạt động trấn an khác kèm theo, giúp trẻ nhanh chóng lấy lại tinh thần. Vừa khiến trẻ vững vàng tự tin, vừa là sự kết nối sâu sắc mẹ con, cũng là sự thể hiện thấu hiểu, điểm tựa của con từ mẹ. Không phụ thuộc hoàn toàn vào bú, và mặc kệ con tự diễn biến tâm lý.

– Bú vặt khiến trẻ không hứng thú với bữa ăn vì không có cảm giác đói.

– Bú vặt sẽ dẫn đến ăn vặt và đặc biệt là liên tục đổi vú sẽ khiến trẻ không hấp thu được dinh dưỡng trọn vẹn, thiếu béo do không bú đến sữa sau dẫn đến chậm tăng cân và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ

– Đặc biệt việc bú ngay trong bữa ăn sẽ khiến trẻ không có kỷ luật bàn ăn.

**LƯU Ý cho trẻ ăn dặm bền vững thì việc nhận định hình thức bú rất quan trọng. Trong khi đó, bú vặt – bú gộp – bú trấn an có ranh giới phân biệt rất mong manh và thường bị nhầm lẫn gây ra các ứng xử hoang mang.

Đặc biệt với các em bé bú gộp ít vận động, hoặc đổi vú liên tục sẽ nhanh đói nên thời gian giữa các cữ không rõ ràng, khi lớn lên chuyển sang bú vặt thành thói quen lại dễ giận dỗi, khóc lóc buồn bã khi không được như ý. Việc này khiến mẹ nhận định thành bú trấn an.

Đây là vòng luẩn quẩn dễ gặp nhất ở các bà mẹ dễ tính, cuối cùng con nhẹ cân sẽ cảm thấy nghi ngờ việc nuôi con sữa mẹ và cho rằng con ăn dặm thất bại. Do đó trong lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững các mẹ cần có kỷ luật, kèm với quan sát và kề cận con để thấu hiểu nhu cầu tâm – sinh lý của bé, ứng dụng các phương pháp quan tâm, yêu thương linh hoạt không chỉ phụ thuộc vú mẹ.

c/ Giai đoạn ăn là chính:

Ăn là chính (sữa mẹ là dặm – phụ vào với bữa chính để bổ sung các dinh dưỡng chưa hấp thụ được qua thực phẩm, đồng thời duy trì miễn dịch thụ động bảo vệ trẻ tích cực trong giai đoạn hoàn thành hệ miễn dịch), đây cũng có thể là khoảng thời gian đi học mầm non của số đông các em bé.

Do đó ăn chính thuận lợi sẽ giúp trẻ bước đầu tự lập tốt, có mối quan hệ tốt đẹp với giáo viên mầm non, và dễ dàng trở thành thế hệ đứng đầu, hoặc tối thiểu là không bị tụt lại, trong môi trường xã hội đầu đời.

Ăn là chính bé thực hiện ăn 3 bữa theo sinh hoạt gia đình. Ăn các thực phẩm theo người lớn tuy nhiên cần lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững các mục sau:
– Ưu tiên các món đạm từ động vật bậc thấp (như đã lưu ý ở phần I)

– Nêm nếm nhạt hoặc rất nhạt. Vì gan thận của trẻ con non nớt, không thích hợp với thói quen ăn mặn của người lớn. Do đó, nêm nếm nhạt, và chuẩn bị bát nước chấm cho người lớn sẽ giúp bữa ăn đơn giản, phục vụ được mọi thành viên. Việc có chung thức ăn giúp trẻ hình dung được vị thế của bản thân trong vòng tròn văn hoá gia đình. Nhanh chóng học được cách ăn uống, xử lý thực phẩm đúng thông qua quan sát.

– Thực hiện cho bú mẹ tương tự như giai đoạn 11-12 tháng. Thậm chí với các bé đi học sớm (sau 1 tuổi), thì cữ bú sẽ là: sáng ngủ dậy – ngay khi đi học về – và trước khi đi ngủ 20-30p. Duy trì cữ bú này giúp vú mẹ tạo sữa đều đặn, là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho trẻ đến tối thiểu 2 tuổi (và có thể đến khi trẻ tự cai).

Đồng thời, trẻ tiếp tục được nhận kháng thể, hệ vi sinh vật cũng như các dinh dưỡng vi lượng mà việc ăn thức ăn chưa đáp ứng đủ. Đây là lưu ý ăn dặm bền vững khác biệt hoàn toàn so với quan điểm “sữa mẹ sau 6 tháng là không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ”. Sữa mẹ là 1 loại thực phẩm cao dinh dưỡng, lại có khả năng tuỳ biến theo nhu cầu của trẻ. Do đó, sử dụng sữa mẹ lâu dài giúp bù đắp dinh dưỡng thiếu hụt trong giai đoạn hệ tiêu hoá của trẻ đang hoàn thiện.

Sau 2,5-3t trẻ bước vào giai đoạn #ăn_toàn_diện. Khi ăn chính thuận lợi, sẽ mở ra bước tiến ăn toàn diện, và cơ hội vượt ốm không dùng thuốc hiệu quả.

d/ Mục đặc biệt lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững:

Với các nội dung bên trên thì ăn dặm theo tháp dinh dưỡng thông thường, được tính toán calo dinh dưỡng là 1 phương pháp sai lầm phá vỡ sinh lý tự nhiên của trẻ nhỏ. Việc này sẽ gây ra hệ luỵ về 1 hệ vi sinh vật đường ruột lệch lạc, hoặc kém phong phú. Tiền đề của táo bón – thừa cân – thấp còi suy dinh dưỡng.

Tất cả các lưu ý cho trẻ ăn dặm bền vững đi ngược với nhiều quan điểm, và phương pháp thông thường đòi hỏi các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm, đối chiếu chéo, và tham khảo các trường hợp đã áp dụng ăn dặm bền vững để có góc nhìn mới mẻ, và đi đến quyết định chăm sóc trẻ đúng đắn.

#nuôi_con_0đ
#ăn_dặm_bền_vững
#ăn_toàn_diện
#phổ_cập_kiến_thức_nuôi_con_sữa_mẹ

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x