TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)
Mục lục bài viết

Phần lớn phụ nữ chuẩn bị làm mẹ với những hành vi theo số đông, theo trào lưu, mà không có phản biện cá nhân, không quan sát đối chứng. Điều đó đã dắt các mẹ lâm vào con đường tiêu dùng bạt mạng và hoang phí. Với tư duy “lo cho con những gì tốt nhất”, giỏ đồ đi sinh là thập cẩm tất cả mọi quảng cáo, review đặc biệt là các nội dung tiếp thu qua kênh của Kols, Kocs, Celeb.

Cùng tiếp tục bóc mẽ phần còn lại của 12 món đồ vô dụng trong giỏ đồ đi sinh ngay tại đây nhé các mẹ:

6. CHŨN/NHỘNG VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Với ảo tưởng thay thế tử cung mẹ, chũn/nhộng ra đời nhằm bao bọc trẻ sơ sinh với mục đích làm giảm các phản ứng moro khi ngủ của trẻ – giảm tác động của việc giật mình, giúp trẻ nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ mà không cần có sự vỗ về, trực tiếp giảm tải gánh nặng chăm sóc trẻ sơ sinh cho bố mẹ. Mong muốn được giải phóng sức lao động nên 80% các bà mẹ phải có sẵn chũn/nhộng trong giỏ đồ đi sinh. Tác dụng nghe qua là rất hay, nhưng không ai nói đến các tác hại mà chũn/nhộng đem lại đối với sinh lý tự nhiên của trẻ sơ sinh.

– Nguy cơ đột tử:

Trẻ sơ sinh còn nhỏ, do đó khả năng giữ nhiệt khi lạnh, hoặc thoát nhiệt khi nóng đều kém. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, trẻ còn quá nhỏ nên nhanh bị mất nhiệt, dễ nhiễm lạnh. Khi nhiệt độ môi trường tăng, do vốn dĩ bình thường nhiệt độ trong người trẻ đã luôn cao (khoảng 36,5-37,2 độ), đồng thời diện tích bề mặt cơ thể nhỏ khiến khả năng tản nhiệt qua da chậm. Nên khi tăng nhiệt cơ thể sẽ chạm mốc nguy hiểm rất nhanh.

Những điều này yêu cầu bố mẹ luôn phải quan tâm đến nhiệt độ phòng, các thời điểm thay đổi nhiệt độ trong ngày, hoặc những lúc bé vận động mạnh (lúc mới ngủ, bú vú mẹ, nằm sấp, tập thể dục…) để có thể hỗ trợ giữ ấm/làm mát kịp thời bằng các việc đơn giản như đắp chăn/bật quạt, hoặc cho con mặc quần áo phù hợp.

Ngày nay, đa phần các bố mẹ hiện đại sống phụ thuộc điều hoà, ngoại trừ những ngày lạnh thật lạnh, thì gần như điều hoà luôn bật nhằm duy trì 1 môi trường giả lập 24-25 độ C hằng ngày, quanh năm. 24-25 độ C cũng là nhiệt độ trung bình mà bé dễ chịu. Tuy nhiên trẻ sơ sinh có những giấc ngủ ngắn. Khi sử dụng chũn/nhộng để trẻ ngủ xuyên đêm, thì sẽ vẫn luôn có các chặng tỉnh dậy và ngủ lại. Khi mới bắt đầu ngủ lại, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên.

Chũn/nhộng chính là các tác nhân khiến trẻ không thoát được nhiệt và có nguy cơ đột tử. (Nghiên cứu đột tử ở trẻ sơ sinh vẫn chưa tìm xác định được nguyên nhân sâu xa chính xác là do đâu, tuy nhiên trong các thống kê cho thấy tăng thân nhiệt đột ngột là lý do được ghi nhận nhiều nhất – theo NCBI)

– Giảm khả năng thích nghi với môi trường thật:

Chui ra khỏi tử cung, trẻ sơ sinh có 1 bầu trời tự do để tung chân, vung tay cảm nhận thế giới. Trẻ cần nhận biết các bộ phận trên cơ thể có thể làm những gì, chạm đến các chất liệu khác nhau để cảm nhận và học tập. Tay chân tự do cũng là cách để bày tỏ mong muốn tìm kiếm sự an toàn hữu hình từ người chăm sóc.

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, nhưng thực tế trong 1 cữ ngủ thì 2/3 thời gian là ngủ động, lúc này trẻ vẫn đang học tập cảm nhận môi trường xung quanh. Việc sử dụng nhộng/chũn làm mất khả năng học hỏi của trẻ, luôn giữ trẻ ở trạng thái quấn ủ khiến trẻ nhanh chóng chán vận động và chìm vào ngủ sâu.

Trong trường hợp bố mẹ không chú ý vận động, massage thì trẻ còn dễ bị ức chế, hay cong rướn người do các cơ thường bị giữ cố định nên căng mỏi.

Ngoài ra, lạm dụng nhộng/chũn giúp mẹ không cần kề cận bên con. Việc thiếu vắng hơi ấm 24/24 của mẹ – người bảo vệ, nguồn sống sẽ dần tích tụ 1 cảm giác bất an vô hình. Đây là 1 trong những yếu tố góp phần tạo nên những wonder week căng thẳng, do sau 1 thời gian ức chế cộng dồn trẻ sẽ bộc phát.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

7. NƯỚC MUỐI SINH LÝ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Thực tế nước muối chỉ dùng để vệ sinh rốn trẻ sơ sinh trong 5-10 ngày khi chờ rốn rụng. Đối với những trẻ rốn khô, sạch, thậm chí không cần dùng. Do việc tắm hằng ngày đã có tác động làm sạch vừa phải hiệu quả cho cả vùng rốn.

Lạm dụng nước muối nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa tai hằng ngày là hành động nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Do các niêm mạc mắt, mũi, tai đều rất mỏng manh dễ bị nước mối làm khô, bào mòn. Đồng thời triệt tiêu hệ vi sinh vật tại các bộ phận này càng khiến mầm bệnh dễ xâm nhập.

Loại bỏ nước muối sinh lý khỏi giỏ đồ đi sinh, chỉ cần vệ sinh cho trẻ đơn giản bằng nước sạch bình thường, thấm khô đơn giản.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

8. KHĂN ƯỚT/KHĂN KHÔ 1 LẦN VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH

Sau hàng loạt các tranh cãi về vấn đề hoá chất trong khăn ướt đối với trẻ sơ sinh, trong đó xoay quanh các lo ngại bệnh về da (hăm, viêm da tã lót,…), lo ngại về thành phần gây ung thư,… vì đây là sản phẩm dùng trực tiếp trên da hằng ngày nhiều lần và thường kéo dài đến khi trẻ bỏ bỉm (khoảng 2-3 tuổi) thì số đông vẫn dùng vì tiện. Số ít sợ hãi khăn ướt thì chuyển sang khăn khô 1 lần, cũng từng ấy vấn đề chỉ có điều nó không chảy nước nên cảm quan là yên tâm hơn.

Giả sử bỏ qua các vấn đề về sức khoẻ, thì trong khi phương Tây đang nô nức thán phục Việt Nam về văn minh vòi xịt bồn cầu, giúp rửa sạch sau khi đi vệ sinh. Thì bố mẹ người Việt dùng hết yêu thương để vệ sinh cho con bằng cách “lau khô”. Và đương đầu với các vấn đề ngoài da bằng việc bôi thêm 1 lớp hoá chất nhằm chống hăm, chống viêm. Tất cả những công việc này tưởng là tiện nhưng không lợi vì âm thầm tiêu tốn chi phí, và tăng nguy cơ bệnh tật nhiều hơn cho trẻ.

Nếu vệ sinh mắt mũi tai hằng ngày với nước muối là thừa thãi, dễ gây bệnh nhưng luôn được tích cực làm, thì vệ sinh hậu môn vùng kín lại bị hời hợt, coi thường, chỉ “lau qua”, thậm chí nhiều mẹ thay bỉm tè còn không lau rửa cho con.

Hãy loại bỏ những sản phẩm 9 phần hại, 1 phần tiện này ra khỏi giỏ đồ đi sinh, tận tâm đúng đắn hơn trong việc việc chăm sóc con hằng ngày. Vệ sinh hậu môn, vùng kín chỉ cần nước chè xanh/nước xả/nước lá bàng/nước lá khế – các loại lá rất sẵn có ở bất kỳ địa phương nào… đảm bảo các vấn đề vệ sinh, khử mùi và ngăn ngừa bệnh ngoài da hiệu quả.

Loại bỏ khăn giấy ướt thì máy làm ấm khăn giấy ướt cũng vô dụng trong giỏ đồ đi sinh.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

9. KEM CHỐNG HĂM/PHẤN RÔM VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Trẻ sơ sinh cỡ 3-6w tuổi thường có hiện tượng đi phân hoa cà hoa cải. Loại phân này rất giàu axit, nếu không vệ sinh sạch sẽ kịp thời dễ làm loét vùng hậu môn của trẻ. Khi nặng lên có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực mông, vùng kín.

Ngoài ra các vùng ngấn cổ, ngấn tay, ngấn đùi nếu không được tắm rửa thường xuyên thì mồ hôi, cặn bẩn cũng sẽ làm trẻ bị hăm loét.

Việc bị hăm thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Vệ sinh ngay sau khi ị, tè, tắm hằng ngày là những việc bắt buộc phải làm. Sử dụng các hợp chất hoá học chỉ làm che mắt người lớn mà vô tình tác động tiêu cực đến làn da non nớt của trẻ.

Vì trên làn da người luôn bao gồm hệ vi sinh vật sinh trưởng và phát triển, đặc biệt ở trẻ sơ sinh hệ vi sinh vật đang được bồi đắp từng ngày qua môi trường, qua da kề da với người chăm sóc. Thì việc sử dụng các hoá chất nhuộm thân trẻ sẽ làm cản trở quá trình hoàn thiện hệ vi sinh vật, khiến hệ miễn dịch kém hoàn thiện.

Trong những trường hợp vệ sinh quá kém, thì kem chống hăm/phấn rôm cũng không có tác dụng ngừa hăm, thậm chí còn là tác nhân khiến cho việc lở loét thêm nghiêm trọng. Trang bị kem chống hăm/phấn rôm trong giỏ đồ đi sinh chỉ làm cho vấn đề phức tạp với các diễn biến bất lợi đối với trẻ mà thôi.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

10. RƠ LƯỠI VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Rơ lưỡi chỉ dùng trong trường hợp trẻ sử dụng sữa công thức là thức ăn chính. Do sữa công thức chỉ cung cấp dinh dưỡng và 1 phần kháng thể, sữa công thức hoàn toàn không tồn tại hệ vi sinh vật, tế bào kháng thể sống như sữa mẹ – đây chính là những thành phần giúp hoàn thiện hệ vi sinh vật khoang miệng của trẻ, và giúp làm sạch khoang miệng sau khi ăn.

Đối với trẻ bú sữa mẹ trực tiếp hoàn toàn thì không cần rơ lưỡi. Do đó, với những mẹ cho bú đúng từ đầu, thì không dùng bình sữa, không dùng sữa công thức, và dụng cụ rơ lưỡi cũng vô dụng trong giỏ đồ đi sinh.

Ngoài ra, bề mặt lưỡi là vô vàn các nụ vị giác – bộ phận cảm nhận vị thức ăn, nước uống. Rơ lưỡi quá nhiều làm tổn thương nụ vị giác, giảm khả năng cảm nhận trong ăn uống, trở thành 1 trong những nguyên nhân biếng ăn ở trẻ. Do đó hãy loại bỏ rơ lưỡi ra khỏi giỏ đồ đi sinh.

11. GỐI CHỐNG TRÀO NGƯỢC VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Đánh giá hiện tượng trào ngược sẽ rơi vào cảm quan của mỗi người. Nhưng, trớ sữa 1 chút sau khi bú là hiện tượng rất bình thường, các mẹ có thể vỗ ợ, bế vác để con ổn định sữa trong dạ dày trước khi đặt thì sẽ giảm tối thiểu hiện tượng trớ sữa.

Còn trường hợp ọc sữa nhiều, thậm chí phun vòi thì thường là do trẻ được ăn quá nhiều so với dung tích dạ dày. Vì thế chỉ cần cử động nhẹ là sữa trào hết ra ngoài. Trường hợp này thường gặp khi trẻ ăn bình.

Và dù cho trớ 1 chút, hay ọc, phun vòi thì gối chống trào ngược đều không giải quyết được vấn đề nếu bố mẹ không hỗ trợ con đúng trước đó (không vỗ ợ, bế vác đủ thời gian). Tuỳ vào mỗi bé mà có thời gian hỗ trợ khác nhau, việc mất kiên nhẫn và tin tưởng vào quảng cáo của gối chống trào ngược không đem lại hiệu quả thực tế.

Lý tưởng nhất vẫn là cho bú mẹ đúng từ đầu, bú trực tiếp hoàn toàn thì hiện tượng ọc, phun không có và hiện tượng trớ không đáng lo ngại.

Chú ý: Nếu bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, đã hỗ trợ (bế vác, vỗ ợ) mà con vẫn ọc trớ phun vòi thì bố mẹ cần đi khám, bởi đây rất có thể là hiện tượng bệnh lý.

Các mẹ có thể hỗ trợ con thêm bằng cách massage tích cực với dầu mè ép lạnh. Sấy nóng sống lưng và lòng bàn chân. Mẹ bé thực hiện ăn chín uống sôi, thiên các món hấp, luộc, kho. Không ăn quá ngọt, quá chua, quá lạnh, đồ ăn qua đêm, đồ chế biến sẵn. Chăm sóc mẹ chu đáo với việc vệ sinh thân thể bằng các sản phẩm tự nhiên nhằm khôi phục hệ vi sinh vật của mẹ, từ đó là nguồn di truyền sang con lành mạnh. Giúp con hoàn thiện hệ vi sinh vật, trực tiếp tác động tích cực vào hệ miễn dịch làm giảm tải các vấn đề bệnh tật.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

12. BĂNG RỐN VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH:

Sau sinh gốc rốn sẽ ngày 1 khô đi, và rụng nốt phần được cắt thừa lại. Rốn cần được để thông thoáng để khô và rụng tự nhiên. Băng rốn tạo môi trường yếu khí giúp vi khuẩn tăng sinh càng dễ gây nhiễm trùng cho vùng cuống rốn.

Hãy để trẻ mặc áo bình thường, sau tắm có thể dùng nước muối nhỏ vào vùng rốn và lau khô bằng tăm bông. Sử dụng xà bông tắm tự nhiên (hoặc các loại nước lá chè, xả, lá bàng, lá khế…) để vệ sinh cho bé. Đặc biệt dùng dầu massage từ dầu ép lạnh tự nhiên (dầu mè, dầu dừa. Những việc này giúp giữ gìn làn da non nớt, đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ vi sinh vật trên da lành mạnh và nhanh chóng.

TOP 12 MÓN ĐỒ VÔ DỤNG TRONG GIỎ ĐỒ ĐI SINH (p2)

Nếu muốn nuôi con gần tự nhiên chị em buộc phải học tập kiến thức nuôi con sữa mẹ, cùng với các hiểu biết đúng đắn về sinh lý trẻ sơ sinh được giải thích cặn kẽ kèm các phương pháp hỗ trợ không sử dụng dụng cụ phức tạp, xa rời tự nhiên. Hãy bước chân ra khỏi guồng quay tiêu dùng, thoát khỏi bẫy chi tiêu từ các chim mồi “nổi tiếng”! Hãy tỉnh táo trước khi muốn sử dụng bất cứ dụng cụ phi tự nhiên nào!

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x